09/11/2015 07:44

Cần ưu tiên giải quyết ly hôn cho phụ nữ bị bạo hành

Chúng tôi gặp chị N.T.H (45 tuổi, ở Hà Nội) trong ngôi nhà tạm lánh – Nhà bình yên (Trung tâm Phụ nữ phát triển - Hội LHPN Việt Nam) khi chị đang tất bật chuẩn bị giấy tờ để lên tòa án. “Chẳng hiểu sao một người mù, đã bị chồng bạo hành như tôi mà tòa cũng không tạo điều kiện để có thể ly hôn chồng sớm. Đi tới đi lui đã 4-5 lần rồi mà tòa vẫn chưa chịu giải quyết lý hôn cho tôi” – chị H nói trong nước mắt.

Các nạn nhân trú ngụ tại Ngôi nhà bình yên (Hà Nội). Ảnh:Minh Nguyệt

Chị H kể, vợ chồng chị lấy nhau đã hơn 20 năm, con lớn đã lấy chồng, con nhỏ sắp vào đại học. Nhưng từ lúc cưới đến giờ, chị luôn phải chịu đòn roi của chồng. Năm 2011, chị H đã phải vào Nhà bình yên để lánh nạn sau khi chồng ghen tuông, rồi tưới xăng dọa thiêu cả 3 mẹ con. Sau đợt đó, chồng chị bị áp tải đi cải tạo 1 năm, về nhà tưởng đâu mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, nhưng đâu vẫn hoàn đó.

Gần đây, chồng chị H đánh chửi vợ rồi mang cả bồ về nhà ngủ, đuổi vợ ra đường. 2 tháng nay, chị H vào Nhà bình yên để lánh nạn.

Bà Nguyễn Thúy Hằng - nhân viên công tác xã hội của Nhà bình yên cho hay: “Chị H là người đơn phương ly hôn, nhưng tòa vẫn yêu cầu phải có những giấy tờ liên quan đến chồng. Tuy nhiên, anh ta đang hận vợ, muốn trừng phạt nên giấu hết giấy tờ”.

Hiện nay, Nhà bình yên cũng đã cử nhân viên hỗ trợ chị H về thủ tục ly hôn. Chị H là người khiếm thị, đi lại khó khăn, việc làm thủ tục cũng phải có người tin cậy trợ giúp nhưng đã đi lại tòa 2 tháng trời vẫn chưa ly hôn xong.

Bà Hoàng Kim Thanh – Quản lý Nhà bình yên cho biết, hiện nay Nhà bình yên đã có công văn xác nhận chị H là phụ nữ bị bạo lực, đang phải trú ngụ tại nhà tạm lánh, đề nghị tòa hỗ trợ thủ tục giải quyết nhanh cho trường hợp này. Tuy nhiên, tòa án là đơn vị làm việc độc lập nên độ ảnh hưởng của những công văn từ Nhà bình yên thường không được thường xuyên, mạnh mẽ. chưa có bất cứ thống kê nào về con số phụ nữ bị bạo lực gia đình, trú ngụ tại Nhà bình yên phải ly hôn.

Sau 2 năm làm quản lý, bà Thanh đánh giá, số phụ nữ bị bạo hành phải vào trung tâm thường là những người chịu cảnh bạo hành nặng nề, kéo dài nên tỷ lệ ly hôn cũng nhiều hơn.

“Thực tế, chúng tôi nhận thấy, giai đoạn tiến hành các thủ tục ly hôn, phụ nữ bị bạo lực lại càng gặp nguy hiểm nhiều hơn. Hầu hết các ông chồng đều không muốn bị bỏ, tìm cách đe dọa, đánh đập, cấm đoán gặp con hoặc chiếm đoạt tài sản. Họ cũng gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục, giấy tờ khi đơn phương ly hôn” - bà Thanh nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thúy Hằng đề xuất: “Theo tôi, cần có một cơ chế để hỗ trợ, ưu tiên giải quyết các thủ tục ly hôn cho phụ nữ bị bạo lực, tránh cho họ gặp các nguy cơ về bạo lực lần nữa. Ngoài ra, việc phân chia tài sản, quyền nuôi con cũng cần có ưu tiên cho nạn nhân bị bạo lực gia đình”.

Nguồn: Danviet.vn

Tin Sao

 

Tags:

Sức Khỏe

Phu nu bao hanh

bao hanh phu nu

bao hanh vo

gia dinh

luat ly hon

Tin cùng chuyên mục