22/06/2022 03:00

Giới trẻ Trung Quốc chật vật tìm việc công nghệ

Sun bị công ty cũ, là một doanh nghiệp tầm trung hoạt động trong lĩnh vực Internet ở Bắc Kinh, sa thải hồi đầu năm. Khi đó, quản lý của cô đưa ra yêu cầu giảm lương trên 50% và xuống một vị trí thấp hơn, hoặc bị sa thải. Sun chọn nghỉ việc.

Cô sau đó nộp đơn ở hàng loạt công ty công nghệ khác nhau, trải qua hơn 20 cuộc phỏng vấn nhưng đều bị từ chối hoặc lương quá thấp. "Rất khó đề xuất mức lương hoặc vị trí như ở công ty cũ. Thị trường đang tồi tệ nhất mà tôi từng thấy", Sun cho biết.

Giới trẻ Trung Quốc chật vật tìm việc công nghệ

Ảnh: FT

Các công ty, tập đoàn công nghệ Trung Quốc hiện phải chịu một loạt quy định kiểm soát khi Bắc Kinh đang tìm cách hạn chế quy mô và phạm vi hoạt động. Nhiều trong số đó chọn cắt giảm nhân sự, giảm quy mô hoặc thậm chí giải thể.

"Tìm việc chưa bao giờ khó đến thế này", một giám đốc hơn 30 tuổi họ Qi, người đã mất việc tại một công ty con thuộc tập đoàn Didi Chuxing, nói. Người này cũng cho biết đã tìm được việc mới nhưng bị giảm 30% lương so với nơi cũ. "Tôi không hài lòng, nhưng buộc phải chấp nhận trong thời buổi khó khăn".

Năm ngoái, trong bối cảnh đại dịch hoành hành, nhân viên công nghệ tại Trung Quốc phải làm việc quá sức. Tưởng chừng sẽ được đền bù xứng đáng, nhưng năm nay mọi thứ còn tồi tệ hơn khi tình trạng cắt giảm việc làm và thu nhập xảy ra ở nhiều công ty hơn, từ các công ty nhỏ cho đến tập đoàn hàng đầu như Tencent, JD, Meituan, Bilibili hay Alibaba.

Tháng trước, lãnh đạo Tencent và Alibaba tuyên bố "kiểm soát chi phí" là ưu tiên hàng đầu. Cụm từ này được nhắc đi nhắc lại hàng chục lần trong các cuộc họp với cổ đông và nhân viên. CEO Tencent James Mitchell cho biết công ty hạn chế tuyển dụng nhiều nhất có thể, ưu tiên chọn người trình độ cao nhưng trả lương thấp để tiết kiệm.

Theo FT, tính đến tháng 5, thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động trẻ từ 18 đến 24 tuổi tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 18,4%. Hơn 10 triệu sinh viên sắp tốt nghiệp cũng bắt đầu tham gia thị trường việc làm. Tuy vậy, cơ hội của họ đang trở nên khó khăn khi những người từng được các doanh nghiệp hứa hẹn về làm việc sau khi ra trường đã "nuốt lời".

Trên các mạng xã hội ở Trung Quốc, từ bailan - mô tả cách một người không còn muốn cố gắng vì mọi nỗ lực đều vô ích - đã trở nên thịnh hành. Một từ khác là ping tang - trạng thái thụ động khi đối mặt với một tình huống cố gắng trong vô vọng - cũng phổ biến.

Việc sa thải ở lĩnh vực công nghệ bắt đầu từ năm ngoái với mảng giáo dục trực tuyến. Hồ sơ công khai cho thấy, năm tập đoàn edtech - lĩnh vực kết hợp giữa giáo dục (education) và công nghệ (technology) - niêm yết công khai lớn nhất của Trung Quốc đã giảm tổng cộng 175.000 nhân viên tính đến cuối tháng 2. Sau đó, hàng loạt nền tảng trực tuyến như dịch vụ video trực tuyến iQiyi, mạng video ngắn Kuaishou, công ty gọi xe Didi Chuxing... bắt đầu cắt giảm lực lượng lao động.

Thị trường việc làm ngày càng ảm đạm khiến Kiro Lu, 34 tuổi, ước rằng mình chấp nhận lời đề nghị làm giám đốc sản phẩm cho một hãng công nghệ năm ngoái. Lu cho biết đã nghỉ việc tại Tencent, từng nhận nhiều lời mời hấp dẫn, nhưng hiện chỉ làm nhân viên cho một startup với mức lương thấp hơn nhiều so với khi ở công ty cũ.

Một số chuyên gia săn đầu người tại Trung Quốc cũng xác nhận việc tuyển dụng nhân sự công nghệ không dễ dàng như trước. "Trước đây, cơ hội việc làm luôn dồi dào. Nhưng động lực cung và cầu đang thay đổi. Trừ các nhân vật có chuyên môn không thể thay thế, những người khác đều đối mặt nguy cơ bị sa thải hoặc khó kiếm việc", một chuyên gia tuyển dụng tại Hàng Châu, nhận xét.

Trước bối cảnh mới, một số người chọn cách nghỉ ngơi. Myron Li, chuyên gia tiếp thị của công ty bất động sản trực tuyến KE Holdings, cho biết đã nghỉ việc, dùng tiền tiết kiệm và trợ cấp thôi việc để đi du lịch. Một kỹ sư bị Tencent sa thải gần đây cũng chia sẻ rằng sẽ không quay lại thị trường việc làm sớm. "Tôi đang có tâm lý bế tắc. Tôi sẽ chọn cách ở nhà, xem phim tài liệu, đọc những cuốn sách yêu thích mà trước đó không có thời gian đọc", ông nói.

Bảo Lâm (theo FT)

Tags:

Trung Quốc

Việc làm

Việc làm công nghệ

Đời sống số hóa

Tin

Tin cùng chuyên mục