21/06/2021 09:49

Lớp học hủy nổ bom mìn chuẩn quốc tế

Lần đầu tiên, 8 nhân viên NPA Việt Nam được đào tạo để hủy nổ bom đạn có đường kính trên 122 mm, nhằm thay thế chuyên gia nước ngoài.

Một ngày đầu tháng 6, trong cái nóng bỏng rát của mùa hè miền Trung, 8 nhân viên dự án rà phá bom mìn tập trung ở Trạm y tế xã Triệu Thuận (huyện Triệu Phong) thực hành mô phỏng xử lý quả đạn pháo 8 inch.

Ông Lê Xuân Tùng, 55 tuổi, nhân viên hiện trường Dự án phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh (NPA/RENEW) tại Quảng Trị, vào vai Đội trưởng xử lý bom mìn lưu động, mang theo dụng cụ, cẩn thận tiếp cận quả đạn.

Lớp học hủy nổ bom mìn chuẩn quốc tế

Ông Lê Xuân Tùng xử lý một quả đạn pháo 8inch ở Trạm y tế xã Triệu Thuận, trong một tình huống giả định khi tham gia khóa học. Ảnh: Hoàng Táo

Vạch bụi cỏ, ông Tùng dùng thước đo thật kỹ chiều dài quả đạn, ngòi nổ, đường kính, quan sát các dấu vết trên thân vỏ. Ông dành nhiều thời gian để đo vị trí quả đạn với toà nhà hai tầng là trạm y tế ở gần đó. Ngoài ra, hiện trường còn có đường dây điện ngay trên quả đạn, trạm thu sóng, đường ống nước... Đây là những hạ tầng ông Tùng phải tính đến để có phương án xử lý quả đạn an toàn nhất, không gây hư hại cơ sở vật chất.

Gặp người quản lý trạm y tế, ông được thông báo trạm đang hoạt động với nhiều y bác sĩ, bệnh nhân.

Đội trưởng ra khu vực chỉ huy trao đổi với các đồng nghiệp tình hình và thảo luận phương án tháo gỡ. Quả đạn pháo chứa 11,3 kg thuốc nổ, đường kính 203 mm, dài 910 mm, còn nguyên đầu nổ, không thể di chuyển, phải cắt đầu nổ tại chỗ. Cả đội vào hiện trường sắp xếp các bao cát hình vòng cung quanh quả đạn, dựng tường chắn, đào mương, sơ tán nhân viên y tế và bệnh nhân trước khi đặt một lượng thuốc nổ vừa đủ phá hủy ngòi nổ.

"Đây là một phần quy trình xử lý những vật liệu nổ chiến tranh còn sót lại, đường kính lớn từ 122 mm trở lên, chúng tôi được học tại khóa đào tạo hủy nổ bom mìn cấp độ 3 theo Tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế", ông Tùng cho hay.

Lớp học hủy nổ bom mìn chuẩn quốc tế

Ông Tùng giải thích với ông Paul Eldred (trái), giảng viên khóa học về hướng xử lý quả đạn pháo. Ảnh: Hoàng Táo

Đứng lớp là ông Paul Eldred, Quản lý kỹ thuật hiện trường NPA Việt Nam, người đạt cấp độ 3+ (chuyên gia có thể xử lý vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, hóa học). Còn 8 học viên đến từ các dự án của NPA Việt Nam tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khóa tập huấn được tổ chức từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2021, tại Quảng Trị.

Khoá học gồm 5 ngày lý thuyết, 13 ngày thực tiễn, xử lý các tình huống mô phỏng và hủy nổ thực tế; cung cấp cho học viên những kỹ năng, kiến thức chuyên sâu để họ có thể xử lý những quả bom đạn có kích thước lớn hơn so với công việc trước đó vẫn làm.

Hàng ngày, ông Tùng giám sát hoạt động của nhiều đội với hàng chục nhân viên tại các hiện trường rà phá hoặc xử lý các vật nổ do người dân báo tin. Ở cấp độ 2, ông chỉ có thẩm quyền và khả năng xử lý các vật nổ có đường kính dưới 122 mm. "Những vật nổ có đường kính lớn hơn, phải do các chuyên gia nước ngoài xử lý. Sau khi đạt chứng chỉ ở khóa học lần này, tôi có thể thay thế dần công việc của các chuyên gia", ông Tùng nói.

Ông kể lại, cách đây 2 tháng, đội xử lý bom mìn lưu động nhận tin báo của người dân xã Gio Mỹ (Gio Linh, Quảng Trị) về một vật liệu nổ. Đội tiếp cận hiện trường, xác định đây là quả đạn pháo 8 inch, ngoài khả năng xử lý của nhân viên cấp 2 nên phải báo cáo, phối hợp với chuyên gia nước ngoài hủy nổ thành công. Giờ đây, các học viên như ông Tùng có thể tự tin trực tiếp xử lý các quả đạn đó.

Lớp học hủy nổ bom mìn chuẩn quốc tế

Tám học viên tham gia khóa đào tạo để đạt chứng chỉ hủy nổ bom mìn cấp độ 3 theo Tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế. Ảnh: Hoàng Táo

Một học viên khác, anh Nguyễn Quốc Bảo (36 tuổi, quản lý hoạt động cấp tỉnh dự án NPA Quảng Bình) cũng chia sẻ khoá học giúp anh có kiến thức để "toàn quyền quyết định trên hiện trường khi gặp các vật nổ kích thước lớn".

Anh Bảo bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực bom mìn từ năm 2007, với vị trí là nhân viên, rồi kinh qua đội phó, đội trưởng... trước khi được điều ra Quảng Bình từ tháng 6/2020. "Với những gì được trang bị, tôi hy vọng sẽ phối hợp với các tổ chức khác tại Quảng Bình để hủy nổ những quả bom lớn trên hiện trường, đảm bảo an toàn", anh Bảo nói.

Sau khóa học tập trung, các học viên được theo dõi 6 tháng trước khi nhận chứng chỉ hủy nổ bom mìn cấp độ 3 Tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế.

"Tôi rất tự hào vì cả 8 học viên hoàn thành xuất sắc giai đoạn một của khóa học". ông Paul Eldred nói.

Sau chiến tranh, Quảng Trị có 83,8% diện tích bị ô nhiễm bom mìn. Từ năm 1995, Quảng Trị cho phép các tổ chức phi chính phủ nước ngoài rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả chiến tranh tại tỉnh này. Đến nay, các dự án này giúp làm sạch 20,2 nghìn ha đất, xử lý an toàn, huỷ nổ gần 740 nghìn vật liệu nổ.

Hoàng Táo Trở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×

Tin cùng chuyên mục