Mừng cưới đòi theo 'giá thị trường': Bánh ít đi bánh quy lại có gì sai?
Trong nhiều ý kiến bạn đọc gửi về đều nói chủ tiệc tính toán thiệt hơn tiền mừng cưới là thực dụng, khác gì làm đám cưới để kinh doanh.
Tranh cãi về tiền mừng cưới có lẽ vẫn chưa có hồi kết - Ảnh: Odyssey
Sau bài Gửi tiền mừng cưới y 10 năm trước, hợp lý không? đã xuất hiện hai luồng ý kiến. Với câu chuyện mừng cưới trong bài, nhiều người nói đám cưới ngày nay chẳng khác nào kinh doanh.
Nhưng phần còn lại cũng cho rằng nên nghĩ đến chủ tiệc, bởi họ phải trả tiền chứ không phải trả tình cảm cho nhà hàng mới có tiệc đãi mình.
Mời khách đến chung vui, đừng mời để tính lời lỗ
Cho rằng đám cưới không nên tính chuyện tiền bạc, quan trọng là tình cảm, bạn đọc Trần Quang Dinh thắc mắc: "Đám cưới là ngày chia sẻ niềm vui với cô dâu, chú rể. Sao có thể tính toán chi li chuyện lời lỗ, tiền mừng cưới nhiều hay ít vậy?".
Cùng thắc mắc, tài khoản nguy****@gmail.com nêu: "Từ bao giờ nước ta lại có văn hóa đi ăn cưới bắt buộc phải mừng tiền? Chính suy nghĩ này nên nhiều người mời cưới vô tội vạ, mới gặp 2 - 3 lần vẫn mời".
Bạn đọc này dẫn chứng ở Thái Lan rất ít đám cưới tổ chức linh đình vì họ không có khái niệm mời cho đông, mà có mời cũng không có nghĩa vụ đi tiền mừng.
Từng trải, người có nickname Bạn đọc Sài Thành kể từng gửi đám cưới bạn 300.000 đồng và sau này nghe bạn nói với người khác rằng hồi đó bạn đi 500.000 đồng mà lại "trả lễ" có vậy. Nhưng thật tình bạn đọc này nói không ghi chép ai đi bao nhiêu nên bị quên, chứ đâu có ý gì mà lại bị trách ngầm!
"Mừng cưới hay kinh doanh mà tính toán lời lỗ, trượt giá đồng tiền?", 5 Mì Lát bình luận. Còn bạn đọc Vu đồng tình: "Nếu so đo ít nhiều, tốt nhất đừng đi đám tiệc, nhà có tiệc cũng đừng mời người khác, đỡ mất công tính toán".
Với thâm niên hơn 25 năm dự đám cưới, bạn đọc Nguyen Hoang Lan nhận xét việc đi đám cưới chẳng vui vẻ gì, vừa tốn thời gian, vừa tốn công sức cũng như tiền bạc. Do vậy, nếu cứ đem tiền mừng ra so đo, tốt nhất không nên mời khách, cũng đừng làm tiệc hoành tráng làm gì.
"Khách không có nghĩa vụ góp sức để các bạn mát mặt và đánh bóng bản thân. Và các bạn cũng có thể không cần đến tiệc của người khác chỉ vì đi để mai mốt mời lấy lại", người này khẳng định.
Tình cảm quan trọng nhưng việc mừng cưới cũng nên tương xứng chút với số tiền chủ tiệc đãi - Ảnh minh họa: Pexels
Ai cũng chỉ đến chung vui, chủ tiệc tính thế nào?
Phản hồi ý kiến "Hồi đám cưới, chúng tôi thật tình chưa hề có suy nghĩ lời hay lỗ" của bạn đọc Anh Huy và Kim Cương, bạn đọc Minh Tú trả lời: "Đừng nghĩ ai có suy nghĩ đó là xấu. Có thể bạn được khách mừng nhiều sẵn hoặc dư dả tài chính nên không rơi vào cảnh thiếu tiền cỗ, chứ đâu phải ai cũng được vậy!".
Minh Tú dẫn giải: "Bánh ít đi bánh quy mới lại. Tôi quý nên mừng bạn, vì quý nên bạn mừng lại tôi. Văn hóa này cả thế giới đều có, chỉ những người ích kỷ, keo kiệt như tấm lòng họ mới nghĩ là thực dụng. Vật chất không quyết định nhưng chi phối tình cảm".
Độc giả này cũng cho rằng chủ tiệc không mời khách đến rồi đãi tiệc hay trả phí cho nhà hàng bằng tình cảm. Vì vậy nên sòng phẳng, chi phí phong bì nên cân nhắc để sau này còn nhìn mặt nhau.
Đồng ý, tài khoản thie****@gmail.com bày tỏ: "Nhiều người thanh cao cho rằng so đo tiền mừng cưới trước và nay là thực dụng. Hãy nhìn thực tế, 10 năm trước mừng đám cưới 500.000 đồng, tương đương gần 2 phân vàng. Nay mừng cưới vẫn 500.000 đồng còn chưa được 1 phân vàng. Coi vậy sao đặng?".
Gửi tiền mừng cưới y 10 năm trước, hợp lý không?
Năm 2014 bạn tôi cưới. Lương tôi 4,5 triệu nên mừng bạn 1 triệu. Nay 2024, tức 10 năm sau, đám cưới tôi, bạn cũng gửi lại đúng 1 triệu tiền mừng cưới!
Tags:mừng cưới
tiền mừng cưới
kinh doanh đám cưới
thực dụng
Tin cùng chuyên mục