13/10/2021 19:57

SSI: Ngành than chưa hưởng lợi từ cơn sốt giá thế giới

Giá than thế giới đã tăng hơn 100% cùng kỳ, song ngành than Việt Nam, theo SSI Research, chưa được hưởng lợi.

Công ty chứng khoán SSI vừa ra báo cáo cập nhật về ngành than, trong bối cảnh giá than thế giới tăng phi mã.

Theo ghi nhận của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu than toàn cầu trong 9 tháng chỉ tăng 4,5% cùng kỳ, nhưng giá than trung bình tăng tới 110%. Nếu xét từ đầu năm, giá than đã tăng 75%, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, cơn sốt giá than không đến từ vấn đề thiếu hụt nguồn cung. Theo số liệu của IEA, năm 2020, thế giới sản xuất 7,9 tỷ tấn than trong khi tiêu thụ 7,2 tỷ tấn. Trong 9 tháng đầu năm nay, sự lệch pha cung - cầu tiếp tục diễn ra khi thế giới sản xuất khoảng 6,2 tỷ tấn và cũng chỉ tiêu thụ 5,8 tỷ.

Nguyên nhân của cơn sốt than toàn cầu, theo SSI Research, đến từ căng thẳng thương mại Trung Quốc - Australia và các lệnh hạn chế nhập khẩu than của Trung Quốc. Ngoài ra, nguồn cung than và các nguyên liệu đốt khác cũng phục hồi chậm trong tình hình dịch bệnh phức tạp, đồng thời Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát ô nhiễm ở các ngành công nghiệp nặng.

SSI: Ngành than chưa hưởng lợi từ cơn sốt giá thế giới

Diễn biến giá than thế giới. Ảnh: SSI

Với Việt Nam, ngành than chịu tác động trực tiếp từ cơn sốt than. Tuy nhiên, chính sách giá chịu sự quản lý chặt của Chính phủ, nên theo nhóm phân tích, hầu hết ngành than chưa được hưởng lợi từ cơn sốt than hiện tại.

Tại Việt Nam, chỉ có hai đơn vị được phép khai thác và bán than trong nước là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc. Giá than trong nước thường chỉ điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và thường chỉ diễn ra sau 3-4 năm. Trong năm 2021, giá than trong nước chưa điều chỉnh nhiều, mới chỉ có giá than cho sản xuất xi măng điều chỉnh tăng 9% trong tháng 8, còn giá than cho nhiệt điện vẫn giữ nguyên để giảm áp lực cho EVN.

Kết quả này cũng phần nào phản ánh qua kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Tổng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác than niêm yết trong nửa đầu năm nay lần lượt đạt 10.600 tỷ đồng, giảm 1,7% cũng kỳ và 115 tỷ đồng, giảm 8,2%. Trong nửa cuối năm, các doanh nghiệp than chưa có quá nhiều triển vọng về tăng giá bán hay đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ.

Cũng theo dự báo của SSI Research, vì nhu cầu than trong nước chủ yếu phục vụ cho nhiệt điện, ước tính giá than năm nay chỉ tăng nhẹ 4%. Về phía nhập khẩu, giá than nhập khẩu của Việt Nam tăng đồng pha với giá than thế giới, với mức tăng trung bình 83% trong 9 tháng.

"Với giá than tăng mạnh, các ngành công nghiệp ở nước ta sẽ bị ảnh hưởng chính bao gồm nhiệt điện, xi măng, luyện kim và phân bón", nhóm phân tích đánh giá.

Trong đó, vì giá than thế giới tăng đột biến so với than trong nước, các ngành có tỷ lệ than nhập khẩu trên tổng than sử dụng trong ngành cao như xi măng (66%), sắt thép (88%), phân bón (74%) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, còn nhiệt điện ít bị ảnh hưởng hơn do tỷ lệ than nhập mới chỉ chiếm 24% tổng than sử dụng.

Tin cùng chuyên mục